Xuất khẩu lao động: Tiềm năng nhưng chỉ nên là giải pháp ngắn hạn

Mỗi năm hàng trăm ngàn lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc và con số này đang tăng dần từng năm. Mặc dù vậy, xuất khẩu lao động được đánh giá không thể là giải pháp dài hạn cho dân sinh và cho phát triển kinh tế.

Thống kê mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong tháng 10 có hơn 13.400 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Tính chung 10 tháng đầu năm, con số này lên hơn 118.000 lao động.  

Kể từ năm 2014, số lao động ra nước ngoài làm việc luôn ở mức trên 100.000 người mỗi năm và tăng dần từng năm. Nếu năm 2016 có hơn 126.000 người đi lao động nước ngoài thì năm 2017 tăng lên hơn 134.000 người và năm 2018 là 143.000 người, theo cục Quản lý lao động ngoài nước.

Nhật là điểm đến hàng đầu thu hút lao động Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm có 62.000 người, chiếm 47% tổng số. Đài Loan với 45.390 người, tiếp đến Hàn Quốc hơn 6.500 người. “Miếng bánh” còn lại ở các thị trường như Rumania, Arab Saudi, Macau, Malaysia…

Hai điểm đến Nhật Bản và Đài Loan chiếm hơn 90% lao động Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, số lao động Việt đến Nhật tăng trưởng mạnh từng năm và từ năm 2018 vượt qua Đài Loan thành thị trường dẫn đầu.

Chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Lê Quang Minh – giám đốc trung tâm xuất khẩu lao động Fimex thuộc công ty Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ và Xuất nhập khẩu quận 1, người có 23 năm làm việc trong ngành cho biết, nếu năm 1996 có chưa đến 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động thì hiện nay có đến hơn 400 doanh nghiệp, cho thấy thị trường này ngày càng tiềm năng và nhiều cạnh tranh hơn.

Xuất khẩu lao động: Tiềm năng nhưng chỉ nên là giải pháp ngắn hạn - ảnh 1
 

Ông Minh cho biết những năm đầu, Fimex chủ yếu đưa lao động qua Đài Loan và Cộng hòa Sec, nhưng từ cuối 2003 tập trung vào thị trường Nhật. Hằng năm Fimex đưa khoảng 300-400 lao động sang Nhật làm việc thông qua hợp tác với các nghiệp đoàn Nhật gồm 120 doanh nghiệp Nhật là thành viên.

Nhật đối mặt với tình trạng già hoá dân số và là quốc gia công nghiệp phát triển nên càng thiếu lao động, đặc biệt các ngành cơ khí, xây dựng và điều dưỡng nhu cầu tuyển dụng gia tăng nhanh những năm gần đây. Tiềm năng là thế nhưng theo ông Minh, thị trường lớn nhất này gần đây cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật cũng bị sụt giảm đơn hàng, nhất là từ các đối tác Trung Quốc, khiến họ phải giảm giờ làm thêm, tác động không nhỏ đến thu nhập của lao động Việt.

“Luật Lao động Nhật quy định mỗi tháng được làm thêm 42 giờ, với mỗi giờ làm thêm được trả 1,25 lần mức lương cơ bản khoảng 900 yen/giờ. Giả sử không còn làm thêm, mỗi lao động sẽ giảm thu nhập hơn 9 triệu đồng mỗi tháng. Đây là khó khăn chung mà khoảng 20 doanh nghiệp Nhật đối tác của chúng tôi đang phải đối mặt,” ông Minh chia sẻ.

Giải pháp được đề xuất cho lao động Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp này là nên tận dụng thời gian để học tập và nâng cấp năng lực tiếng Nhật, nhằm có công việc với mức lương tốt hơn sau khi về nước. Theo ông Minh, đây thực sự là thử thách lớn, đặc biệt đối với những lao động làm các công việc vất vả.

“Trong quá trình đào tạo để chuẩn bị, chúng tôi thường nói với họ rằng, người lấy được chứng chỉ tiếng Nhật N2 (chứng chỉ tiếng Nhật chia các cấp bậc từ thấp đến cao: N5, N4, N3, N2 và N1) và mang 500 triệu đồng về nước vẫn tốt hơn người có 800 triệu đồng nhưng không học thêm được điều gì mới,” ông Minh nói.

Tiềm năng chung của thị trường xuất khẩu lao động vẫn được đánh giá cao, do người dân tại các nước phát triển có xu hướng không muốn làm các công việc khó khăn và nguy hiểm, khiến mức lương thuê nhân công nội địa tăng cao. Vấn đề quan trọng là phải duy trì được các thị trường trọng điểm, tránh xảy ra các vấn đề tiêu cực phổ biến như trộm cắp và cư trú lao động bất hợp pháp.

“Người lao động Việt Nam được đánh giá có tố chất thông minh, nhanh nhẹn và khéo léo. Điều cốt lõi nhất trước khi đưa lao động ra nước ngoài là giúp họ hiểu rằng không nên vì tiền mà bất chấp những rủi ro. Điều cấp thiết thứ hai là nâng cấp khả năng ngoại ngữ, khi đó lao động Việt Nam không thua kém bất kỳ nước nào,” giám đốc Fimex nói về đánh giá của các đối tác đối với lao động Việt Nam. 

Ngoài các thị trường “truyền thống”, các công ty Việt Nam có định hướng đưa lao động sang các thị trường có mức thu nhập hấp dẫn hơn, chẳng hạn như châu Âu. Tuy nhiên, khó tìm ra các kênh tiếp cận tiềm năng. Thực tế ở các nước phát triển, nhất là khối G7, không nhận nhiều lao động nước ngoài. Nhật hiện nay cũng tuyên bố chỉ nhận “thực tập sinh kỹ năng” và “kỹ thuật viên – kỹ sư” nhằm hỗ trợ các nước khác phát triển khoa học, kỹ thuật, sản xuất… 

Các chuyên gia về nguồn nhân lực nhận định, việc đưa lao động làm việc ở nước ngoài dù tiềm năng nhưng chỉ nên xem là giải pháp ngắn hạn để giải quyết việc làm và kinh tế trong một giai đoạn nào đó, hoặc để học hỏi kinh nghiệm và ngành nghề chuyên môn. “Mong muốn hiện tại của tôi là đưa được nhiều lao động ra nước ngoài để có cuộc sống tốt hơn khi trở về, nhưng điều tôi thực sự mong muốn là đến ngày nào đó, Việt Nam trở thành nơi tuyển chọn lao động nước ngoài. Tôi nghĩ cần đến vài chục năm,” ông Minh nói. 

Chuyên gia giáo dục và phát triển nhân lực Trần Đức Cảnh – thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhận định, việc người lao động chọn sống và làm việc ở quốc gia này hay quốc gia khác là bình thường, nhưng nên có chiến lược phát triển nguồn lực dài hạn, theo hướng giữ lại, dần giảm thiểu nguồn lao động ra nước ngoài, đặc biệt là lao động trẻ, có chuyên môn và năng lực vốn mang giá trị lớn cho phát triển kinh tế. Mặt khác, cuộc sống của những người đi lao động ở nước ngoài và gia đình họ cũng bị xáo trộn. 

ILO gần đây đưa ra khuyến nghị sử dụng các thuật ngữ “di cư lao động”, “dịch chuyển lao động” thay vì “xuất khẩu lao động”. Cách dùng từ “xuất khẩu lao động” như hiện nay được các chuyên gia đánh giá dễ dẫn đến cách hiểu như… xuất khẩu con người.